Dấu hiệu chứng tỏ thang máy trục trặc và cách thoát khỏi sự cố

Thang máy có hệ số an toàn rất cao, những tai nạn do thang máy đa phần là các tình huống hi hữu. Khi thang máy gặp trục trặc, cần phải xử lý đúng cách để giữ an toàn.

Những dấu hiệu thang máy trục trặc

Nói về nguyên nhân xảy ra sự cố thang máy, Kỹ sư Nguyễn Nam Hải, nhân viên một công ty chuyên sản xuất thang máy cho hay, hệ số an toàn của thang máy luôn được tính toán rất cẩn thận, là ưu tiên hàng đầu. Trước khi đưa vào sử dụng, thang máy đã được các cơ quan chức năng kiểm định nghiêm ngặt, lại thường xuyên bảo dưỡng nên xác suất bị hỏng hóc, rơi hoặc trục trặc là thấp.

Đặc biệt, những thiết bị đạt chuẩn quốc tế đều có phanh cơ và phanh điện sẽ kẹp chặt cabin khi có sự cố. Đa phần các vụ rơi thang máy là do lỗi kỹ thuật như không được bảo dưỡng định kỳ, thang máy đã quá cũ mà không được quan tâm sửa chữa. Được biết hệ thống thang máy của tòa chung cư xảy ra sự cố đã cũ, người dân đã phản ánh nhiều lần về những trục trặc nhưng chưa được xử lý.

Với công nghệ và chỉ số an toàn cao, nếu được bảo hành đúng hạn, xác xuất rủi ro từ thang máy là cực kỳ thấp. Thang máy vẫn là phương tiện vận chuyển hữu hiệu trong các chung cư cao tầng mà không có phương pháp khác thay thế. Do vậy, các chung cư cao tầng, nhà cao tầng… sử dụng thang máy cần chú ý khâu bảo dưỡng hệ thống định kỳ hàng năm bằng đội ngũ chuyên nghiệp.

Đối với những tòa nhà có tuổi thọ trên 10 năm phải thực hiện rà soát lại hệ thống thang máy, kiểm tra hỏng hóc để xử lý kịp thời. Đối với hộ gia đình, khi mua thang máy, không nên ham rẻ, lựa chọn loại thang máy chưa được kiểm định an toàn rõ ràng.

Trong bất kỳ tình huống nào, nếu người bên trong giữ được bình tĩnh để sáng suốt phản ứng tùy trường hợp, sẽ giúp giảm thiểu thương vong. Thông thường đang ở trong thang máy mà bị ngừng đột ngột, mọi người sẽ hoảng loạn, khóc lóc và tìm mọi cách “tháo tung” cabin để thoát ra ngoài là sai lầm.

  • Khi gặp sự cố thang máy, điều đầu tiên cần làm là giữ bình tĩnh, không tìm mọi cách phá thang máy để trèo lên trên hay dùng tay để mở vì dường như không thể.
  • Bấm nút mở cửa cabin hoặc bấm nút khẩn cấp.
  • Nếu nút báo động không phát huy tác dụng, hãy gọi to hoặc gõ vào thành thang máy để báo cho người ở ngoài biết.

Không cố chui ra khỏi cabin thang máy

Theo KS Nguyễn Nam Hải, kinh nghiệm cho thấy trong trường hợp bị kẹt, ở lại trong cabin thang máy là an toàn nhất. Nguy cơ bị kẹp giữa thang máy và trần nhà là rất cao và vô cùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, trên nóc cabin còn chứa nhiều thiết bị điện phức tạp nên bạn rất dễ bị giật nếu bất cẩn.

Khi thang máy rơi, tư thế giúp hạn chế thương tổn là nằm ngửa, sát xuống sàn, càng gần vị trí trung tâm cabin thang máy càng tốt. Đồng thời dùng tay kê đầu, một tay che mặt để phòng gạch đá rơi xuống. Nằm sát xuống sàn thang máy sẽ giúp phân bố đều lực rơi lên toàn bộ cơ thể, giảm bớt nguy cơ tổn thương.

TS. Trần Văn Thịnh, nguyên trưởng Bộ môn Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, rất hiếm trường hợp bị nhốt trong thang máy mà tử vong. Gần như chúng ta sẽ thoát khỏi thang máy đóng kín mà không hề bị trầy xước. Khi thang máy dừng đột ngột, bạn hãy thử ấn nút mở cửa. Nếu thang máy không phản ứng gì thì hãy ấn nút cứu hộ và làm theo hướng dẫn trên bảng điều khiển.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *